I. Định nghĩa
Thanh quản là một cơ quan có vai trò trong việc thở, nuốt và nói giúp chúng ta thực hiện các trạng thái trong giao tiếp nói, hát, thì thầm hay la hét. Viêm thanh quản gây ra những vấn đề như khàn tiếng, đau họng. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu, cách chữa trị và biến chứng của tình trạng này là gì?
Viêm thanh quản là gì?
Viêm thanh quản là tình trạng viêm của thanh quản do hoạt động quá mức, bị kích ứng hoặc nhiễm trùng.
Bệnh tích chủ yếu của viêm thanh quản là viêm niêm mạc. Quá trình viêm có thể khu trú ở niêm mạc hoặc lan xuống dưới từ xung huyết, phù nề, loét niêm mạc đến viêm cơ, hoại tử sụn. Viêm thanh quản cấp tính trên lam sàng thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau có thể xếp thành:
– Viêm thanh quản cấp tính ở người lớn.
– Viêm thanh quản cấp tính ở trẻ em.
– Viêm thanh quản hậu phát
– Phù nề thanh quản.
Viêm thanh quản có thể diễn ra trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính). Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản là do nhiễm virus tạm thời và không nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng khàn tiếng kéo dài đôi khi được xem là báo hiệu một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.
II. Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây viêm thanh quản
Người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ bị viêm thanh quản. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, yếu tố nguy cơ sẽ khác nhau. Cụ thể:
Với người lớn:
- – Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chất gây dị ứng
- – Người bị trào ngược axit dạ dày
- – Người bị viêm mũi xoang nhiều đợt
- – Người thường xuyên hút thuốc hoặc ở gần những người hút thuốc
- – Người sử dụng giọng nói quá nhiều như giáo viên, ca sĩ, MC, kinh doanh, buôn bán…
- – Người bị nhiễm nấm do thường sử dụng ống hít hen suyễn
Với trẻ nhỏ:
- – Trẻ thường xuyên viêm mũi họng, sau đó viêm thanh quản
- – Trẻ hay la hét hoặc hát quá nhiều gây phù nề dây thanh
- – Viêm thanh quản sau nhiễm cúm
1. Viêm thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp tính là một vấn đề sức khỏe tạm thời. Nguyên nhân có thể do lạm dụng dây thanh quản hay do bị nhiễm trùng. Điều trị căn nguyên sẽ giúp thanh quản hết viêm. Theo đó viêm thanh quản cấp tính có thể do:
- – Nhiễm virus, vi khuẩn
- – Sau viêm đường hô hấp: viêm mũi xoang, viêm Amidan, viêm VA ở trẻ em
- – Sử dụng giọng gắng sức: nói nhiều, la hét, hát to
- – Uống quá nhiều rượu bia
2. Viêm thanh quản mạn tính
Viêm thanh quản mạn tính xảy ra do thanh quản tiếp xúc thời gian dài với các chất gây kích ứng. Tình trạng này thường ảnh hưởng diễn ra lâu hơn so với viêm thanh quản cấp tính.
Viêm thanh quản mạn tính có thể do những nguyên nhân sau:
- – Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại hoặc chất gây dị ứng
- – Trào ngược axit từ dạ dày
- – Viêm mũi xoang thường xuyên
- – Hút thuốc hoặc ở gần những người hút thuốc
- – Lạm dụng giọng nói
- – Bội nhiễm nấm do sử dụng thường xuyên thuốc hít điều trị hen suyễn
- – Thay đổi hình dạng dây thanh do tuổi cao cũng có thể gây khàn tiếng dai dẳng
III. Triệu chứng viêm thanh quản
Viêm thanh quản thường đến đột ngột và diễn biến nặng trong 5-7 ngày đầu. Các dấu hiệu thông thường là:
- – Giọng nói khàn khàn, nói hụt hơi, yếu giọng
- – Thỉnh thoảng mất giọng
- – Cơn ho khó chịu không biến mất
- – Có nhu cầu hắng giọng thường xuyên
- – Vướng họng, khó nuốt
Ngoài ra, tình trạng viêm nắp thanh quản (viêm thanh thiệt) là tình trạng viêm sưng mô ở dưới đáy lưỡi cũng có thể xảy ra. Nắp thanh quản là phần mô bao phủ thanh quản và khí quản (ống thở), nằm ở dưới đáy lưỡi có nhiệm vụ bảo vệ đường thở khi nuốt. Khi bị viêm nắp thanh quản, mô sưng lên, gây hẹp đường thở, nguy cơ tử vong nếu không được điều trị.
Do đó, hãy đi khám ngay nếu thấy trẻ em xuất hiện các biểu hiện:
- – Khó nuốt, nuốt đau
- – Khó thở (cần phải nghiêng người về phía trước để thở)
- – Tiết nhiều nước bọt (chảy dãi)
- – Khi thở phát ra âm thanh khò khè hay tiếng rít
- – Giọng nói như bị bóp nghẹt
- – Xuất hiện tình trạng sốt
Viêm thanh quản ở người lớn không nghiêm trọng nhưng bạn nên đi khám nếu bị khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần, sốt, ho hoặc khó thở.
Đối với trẻ em, viêm thanh quản có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Dó đó, bạn cần theo dõi tình trạng sốt và đưa trẻ đi khám nếu nằm trong các trường hợp sau:
- – Trẻ khóc không ra tiếng hoặc khàn giọng nhiều
- – Khó nuốt hoặc khó thở, phát ra âm thanh khò khè khi hít vào hoặc chảy nhiều nước dãi hơn bình thường
Lưu ý, biến chứng viêm thanh quản ở trẻ có thể gây hẹp đường thở, viêm phế quản phổi… nguy hại hơn có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, hãy điều trị cấp cứu nếu trẻ bị viêm thanh quản và xuất hiện dấu hiệu thở hổn hển hoặc khó thở.
IV. Điều trị viêm thanh quản
Cách chữa viêm thanh quản tốt nhất là để bộ phận này được “nghỉ ngơi”, giảm bớt hoạt động dây thanh, nhờ đó bệnh dần thuyên giảm. Trường hợp bệnh không có dấu hiệu suy giảm, bạn có thể áp dụng các cách sau:
1. Sử dụng thuốc
Việc sử dụng thuốc cũng cần được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Những loại thuốc thường được sử dụng trong chữa viêm thanh quản bao gồm:
- – Thuốc corticoid: Đây là một nhóm thuốc kháng viêm giúp làm giảm sưng tấy.
- – Thuốc kháng sinh: Sử dụng khi nguyên nhân do vi khuẩn.
- – Thuốc giảm đau. Bạn có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau nhưng tần suất và lượng dùng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- – Thuốc xịt họng thanh quản.
2. Cách chăm sóc và chữa trị tại nhà
Một số phương pháp điều trị tại nhà giúp hỗ trợ điều trị bệnh bạn có thể áp dụng:
- – Uống nhiều nước, tránh uống rượu và cafein
- – Sử dụng máy tạo độ ẩm
- – Súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn
- – Dùng thuốc ngậm tại chỗ
- – Tránh ở trong môi trường không khí khô, khói hoặc bụi
- – Hạn chế nói nhiều, nói to, nói liên tục
3. Phương pháp khác
Liệu pháp giọng nói: Bác sĩ trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc và giảm bớt những hoạt động quá mức gây tổn thương dây thanh.
4. Phòng ngừa viêm thanh quản
Để ngăn ngừa tình trạng viêm thanh quản, bạn cần tuân theo những quy tắc phòng bệnh sau:
- – Tránh hút thuốc và tránh xa khói thuốc
- – Hạn chế rượu và cafein
- – Uống nhiều nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày
- – Tránh dùng thức ăn cay chua, tránh ăn khuya, để tránh trào ngược dạ dày thực quản
- – Sử dụng thực phẩm lành mạnh: ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.
- – Tránh hắng giọng, hạn chế nói nhiều, nói to, nói liên tục, la hét
- – Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người đang bị nhiễm siêu vi.